Bạn đang kinh doanh một quán cafe, nhà hàng, quán ăn dù nhỏ hay lớn, có lẽ bạn sẽ gặp không ít khó khăn với việc quản lý nhân viên phải không? Như là tình trạng nhân viên nghỉ việc thường xuyên, nghỉ việc đột xuất, nhân viên không nhiệt tình…Vậy giải pháp nào để quản lý nhân viên quán cafe cho hiệu quả?
Với kinh nghiệm từ khâu setup bàn ghế quán cafe, quản lý quán cafe lớn tại TP Bà Rịa, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm “thực dụng – thực chiến” để quản lý nhân viên quán cà phê một hiệu quả, giúp người chủ/quản lý giảm tình trạng bị động về nhân sự.
Đầu tiên bạn cần có nhận thức sau: Nhân sự ở lĩnh vực kinh doanh quán cà phê có đặc điểm chung là chỉ xem đây là công việc tạm thời, đó là tâm lý chung dù quán cafe có bài bản, chính sách nhân sự quy củ thế nào đi nữa (ở đây tôi không bàn đến những chuỗi cafe ngoại). (Bạn hãy thử tìm hiểu lý do có tâm lý này và chia sẻ với mọi người ở mục bình luận nhé).
Từ nhận thức đó, mà chúng ta sẽ tìm ra phương pháp quản lý nhân viên quán cà phê sao cho hiệu quả và dưới đây là một số phương pháp tôi đã ứng dụng vào thực tiễn đem lại kết quả rất tốt.
Thứ nhất, hãy dùng việc chi trả tiền lương làm công cụ để đảm bảo rằng nhân viên không nghỉ việc đột xuất. Cách làm khá đơn giản, hãy giữ ít nhất 5 ngày lương của nhân viên để “phòng bị” cho mức phạt khi nhân viên nghỉ đột xuất. Tôi ví dụ: tôi chi trả lương làm 2 kỳ trong tháng, kỳ đầu tiên trả vào ngày 21 của tháng, tôi chỉ tạm ứng tiền lương chỉ đến ngày 15, kỳ thứ hai tôi thanh toán hết lương của tháng vào ngày 6, tức quán vẫn giữ của nhân viên tối thiểu 5 ngày làm việc. Tôi đưa vào quy định về việc xin nghỉ rất rõ ràng “nếu nghỉ việc mà không thông báo xem như số tiền 5 ngày được giữ lại sẽ đưa vào phạt”. Khi áp dụng phương pháp này, tôi đảm bảo sẽ giảm hẳn tình trạng nhân viên sau khi nhận tiền lương nghỉ đột xuất mà “không ngày quay trở lại” đấy nhé.
Thứ hai, hãy tìm phương pháp chi trả lương công bằng nhất, chính xác nhất. Ví dụ, quán cà phê nhà tôi trả lương nhân theo giờ làm việc (ví dụ 15.000 đồng/giờ với nhân viên phục vụ), tôi đã áp dụng ngay máy chấm công bằng dấu vân tay, việc vào ca – ra ca được quẹt vân tay, phần mềm chấm công vô cùng công bằng chính xác, không có cảm xúc, vì nó là máy mà. Quán của tôi có thời điểm có hơn 30 nhân viên làm việc cho nhiều ca như từ 6h – 10h, từ 10h – 14h, từ 14h – 18h và từ 18h – 22h thế mà việc chấm công chính xác tuyệt đối, công bằng vô cùng. Đặc biệt, việc tính lương cho 30 con người ấy chỉ mất khoảng 2 giờ làm việc. Và hơn nữa, với chiếc máy chấm công, nhân viên sẽ tự động ý thức đúng giờ giấc vì tôi có quy định “nếu đi trễ 1 phút sẽ bị phạt 5.000 đồng nếu không có lý do chính đáng”. Đó cũng là một phương pháp để tạo tính chuyên nghiệp cho quán. Và hơn nữa, nếu nhân viên làm thêm giờ, dù chỉ là 5 phút hay 45 phút đều được máy chấm công ghi nhận và cuối tháng đều được tính toán chi tiết. Tôi chưa bao giờ mâu thuẫn với nhân viên vì tính giờ sai, thật đấy, bạn có tin!
Thứ ba, bạn cần xây dựng tài liệu đào tạo nhân viên sao cho thật đơn giản, thật chính xác và cố gắng chỉ trong 1 trang A4 với đầy đủ mô tả công việc, quy trình tác nghiệp, văn hóa phục vụ. Chỉ có sự đơn giản mới giúp bạn trong vòng 30 phút đã hướng dẫn rành mạch một nhân viên mới bắt tay được ngay vào công việc. Tôi đã viết nhiều bài chia sẻ về chủ đề thiết lập quy trình làm việc, bản mô tả công việc, văn hóa… bạn hãy tìm đọc thêm nhé.
Thứ tư: tạo dựng cơ sở dữ liệu người xin việc càng nhiều càng tốt.
Với tính chất công việc của quán cà phê có một tỷ lệ lớn là nhân sự mang tính thời vụ – vị trí nhân viên phục vụ là ví dụ. Để tạo thế chủ động trong quản lý nhân sự, người chủ cần có dữ liệu người xin việc để nhanh chóng tuyển dụng khi có nhu cầu. Việc làm này bạn cần làm liên tục ‘từ ngày này sang tháng khác’, ví dụ đăng tin tuyển dụng, qua kênh nhân viên giới thiệu… tất cả dữ liệu như tên, tuổi, năm sinh, kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại hình… cần được ghi chép cẩn thận vào sổ sách hoặc bài bản hơn thì lưu vào phần mềm quản lý thông tin nhân viên.
Ví dụ tại quán cafe của gia đình, tôi đăng tin tuyển dụng liên tục ngay cả khi vào thời điểm đó quán có đầy đủ nhân lực, vì tôi hiểu rất có thể chỉ vài ngày tới thôi quán sẽ thiếu nhân sự vì có bạn nghỉ do nhiều yếu tố khác nhau, mà nguyên nhân gốc rễ vẫn là vì tính chất thời vụ của công việc mà thôi, nó là hiển nhiên nhé. Lúc đó với dữ liệu người xin việc có trong phần mềm, tôi sẽ nhanh chóng tìm được người phù hợp để tuyển dụng.
Thứ năm: liên minh liên kết, đó có sức mạnh vô địch.
Đây là phương pháp rất ít người chủ quán làm được nhưng tôi đã làm được đấy.
Bản chất là thế này, có những thời điểm quán của bạn dư người hay có dữ liệu người xin việc nhiều nhưng một quán khác thì thiếu người và vào một thời điểm khác thì ngược lại. Vậy tại sao hai quán không liên minh, liên kết để chia sẻ nguồn lực, trợ giúp nhau vào những thời điểm khó khăn về nhân sự và hơn nữa giúp tạo việc làm với thông tin nhân lực bạn có trong tay.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khi áp dụng phương pháp này đó chính là “niềm tin” của những người chủ quán. Tôi còn nhớ, tôi gặp gỡ hơn chục người chủ quán để chia sẻ câu chuyện liên minh liên kết này, cuối cùng chỉ có 2 người chủ cam kết hợp tác với tôi. Và lợi ích thực sự vô cùng tốt đẹp cho cả hai quán.
Tôi lưu ý, với phương pháp này bạn tìm quán cà phê liên kết phải thỏa mãn nguyên tắc ‘không là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhau’. Đơn giản nhất, là khoảng cách giữa 2 quán hơn 5km là ổn bạn nhé. Khi không là đối thủ trực tiếp của nhau thì tính liên kết dễ dàng được chấp nhận hơn.
Đến đây, nếu bạn cũng có phương pháp quản lý nhân sự quán cafe hiệu quả bạn hãy chia sẻ ở mục bình luận bên dưới để kiến thức được lan tỏa rộng rãi hơn nữa nhé. Cảm ơn bạn.
Thứ 6: tôi gọi là phương pháp chứ không là chiêu thức, vì cái này cần nền tảng về lý thuyết và thực tiễn quản trị mà người doanh chủ cần rèn luyện:
Không hẳn là việc dễ dàng khi quản lý một quá cafe, một nhà hàng, quán ăn. Để công việc trơn chu và dễ dàng hơn thì mỗi người quản lý cần phải biết thu phục lòng người, phải biết thuyết phục để bộ phận nhân viên kính trọng và nghe theo.
1. Quản lý bằng kỷ luật
Quản lý bằng kỷ luật là cách làm thường thấy ở nhiều công ty/nhà hàng hay các siêu thị. Đây là cách quản lý giúp cho quy trình làm việc của họ trở nên chuyên nghiệp và theo một trật tự nhất định. Hơn nữa, cách quản lý này cũng được nhiều chủ doanh nghiệp, áp dụng làm tiền đề đưa ra nhiều khoản thưởng, phạt hợp lý dành cho nhân viên.
Như đã thấy, ở các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, việc đưa ra các quy định chung, các nguyên tắc cụ thể là điều tuyệt đối hợp lý đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu lớn có lượng khách đông. Từ đó, khách hàng sẽ cảm nhận cũng như hài lòng về sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và nguyên tắc của quán. Điều này cần phải được xây dựng một cách hợp lý.
Thực tế, không phải nhà hàng, quán ăn, quán nhậu nào cũng có thể đưa ra các các kỷ luật hoàn hảo nhất. Bởi, mỗi một cách đều cần phải hợp lý dựa vào nhiều yếu tố và quan trọng hơn cả là tinh thần xây dựng nhà hàng, quán ăn, quán nhậu ngày một quy mô và phát triển hơn. Thông qua cách quản lý bằng kỷ luật, người quản lý có thể:
– Xử phạt đối với nhân viên sai phạm với hình phạt phù hợp.
– Rút ra những sai phạm và so sánh được độ nghiêm trọng để sửa sai và rút kinh nghiệm
– Đưa ra những khoản thưởng nhằm khích lệ tất cả các nhân viên làm đúng bổn phận và trách nhiệm, đạt kết quả tốt của mình.
– Là động lực để các nhân viên khác noi theo và học tập những nhân viên tốt “tấm gương”.
Quản lý không chỉ là dùng mệnh lệnh, quản lý còn cần rất nhiều các yếu tố quan trọng khác.
2. Quản lý theo tình cảm
Có nhiều nơi người ta thường tập trung vào cách quản lý theo kỷ luật. Thế nhưng, cách làm này thường được cho là nghiêm khắc và rập khuôn. Chính vì vậy mà người ta đã tìm ra một phương thức tốt hơn, không cần những quy định hay hình phạt mà thay vào đó là cách quản lý theo tình cảm.
Đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng cách làm này khiến nhiều nhân viên cảm thấy tôn trọng hơn và không trở nên ác cảm hay sợ hãi mà vẫn nghiêm túc trong công việc.
Kỹ năng cần thiết và quan trọng đối với một người quản lý giỏi đó là sự thấu hiểu và đồng cảm, hãy luôn dành thời gian để trò chuyện, tâm sự để nắm bắt được tâm lý, tâm tư, hoàn cảnh của mỗi nhân viên. Mỗi khi nhắc nhở hay xử phạt lỗi của nhân viên thì người quản lý cần tìm hiểu và xác thực nhiều yếu tố: Lý do nhân viên mắc lỗi, vô tình hay cố ý, thái độ khi phạm lỗi như nào, có hay vi phạm không,.. để đưa ra những cách xử lý thuyết phục. Người quản lý giỏi luôn thấu hiểu tâm lý, khuyến khích và giúp đỡ nhân viên phát huy khả năng của họ.
3. Khuyến khích nhân viên phát huy khả năng
Khuyến khích nhân viên để họ phát huy khả năng, làm việc hết mình là cách làm giúp việc kinh doanh của nhà hàng, quán ăn, quán nhậu hay quán cafe kinh doanh thành công.
Một điều chắc chắn rằng, mỗi một nhân viên đều sẽ cảm thấy mình là một thành phần đặc biệt trong cửa hàng chính là việc áp dụng cách quản lý nhà hàng, quán ăn, quán nhậu hiệu quả này.
Theo đó, người quản lý đòi hỏi cần phải giúp nhân viên nắm vững được những tầm nhìn cùng những mục tiêu của nhà hàng và sự đóng góp của nhân viên đối với thành quả chung, hãy khuyến khích họ ngày càng nỗ lực hơn tạo được thiện cảm và giúp bạn sẽ luôn bên cạnh họ. Không nên khiêm tốn khi dành những lời khen cho nhân viên mỗi khi họ làm tốt một việc nào đó. Đối với mỗi nhân viên, việc được khen được coi như một động lực giúp họ càng cố gắng hơn nhiều trong công việc.
Tóm lại: Mỗi phương pháp quản lý nhân sự đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Người quản lý giỏi là biết cách “quản lý theo phương pháp nào phù hợp cho từng thời điểm”. Vì vậy, nghề quản lý vừa là bộ môn khoa học vừa là bộ môn nghệ thuật là ở điều đó.
Cao Trung Hiếu | Chia sẻ khởi nghiệp
Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm làm marketing cho nhà hàng, quán cafe